XẠ TRỊ TRONG CHỌN LỌC ĐIỀU TRỊ UNG THƯ GAN BẰNG VI CẦU PHÓNG XẠ Y-90 TẠI BỆNH VIỆN BẠCH MAI

Mai Trọng Khoa1, Trần Đình Hà1, Trần Hải Bình1, Phạm Văn Thái1, Lê Chính Đại1, Phạm Cẩm Phương1, Nguyễn Thanh Hùng1, Trần Văn Thống1, Phạm Minh Thông2, Vũ Đăng Lưu2, Nguyễn Xuân Hiền2, Ngô Lê Lâm2, Trịnh Hà Châu2,
1 Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai
2 Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

TÓM TẮT
Xạ trị trong chọn lọc (Selective Internal Radiation Therapy: SIRT) ung thư gan (UTG) là phương pháp điều trị đưa các hạt vi cầu Resin gắn đồng vị phóng xạ Y-90 vào mạch máu nuôi khối u ác tính trong gan. Tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt do bức xạ ion hóa của Y-90 phát ra. Quy trình kỹ thuật đã được chuẩn hóa, áp dụng điều trị cho các bệnh nhân UTG tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (YHHN&UB) Bệnh viện Bạch Mai.
Mục tiêu nghiên cứu:
- Hoàn thiện quy trình kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc UTG bằng vi cầu Y-90.
- Đánh giá kết quả ban đầu điều trị UTG bằng vi cầu phóng xạ Y-90 tại Bệnh viện Bạch Mai.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 36 bệnh nhân chẩn đoán xác định là UTG nguyên phát hoặc thứ phát. Những bệnh nhân này được điều trị bằng vi cầu phóng xạ, theo dõi đánh giá kết quả sau điều trị 1 tháng và mỗi 3 tháng. Nghiên cứu mô tả, tiến cứu.
Kết quả nghiên cứu: Đã hoàn thiện được quy trình kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc bằng vi cầu Y-90 để điều trị UTG, bao gồm cả chỉ định và chống chỉ định; Các bước tiến hành gồm: chụp mạch đánh giá hệ mạch máu gan và mạch nuôi UTG, chụp SPECT với 99mTc-MAA đánh giá Shunt gan phổi, chuẩn liều phóng xạ Y-90 điều trị, bơm vi cầu Y-90 vào mạch máu nuôi UTG, chụp SPECT hoặc PET/CT đánh giá phân bố vi cầu Y-90; Đánh giá hiệu quả và tính an toàn. Kết quả điều trị 36 bệnh nhân UTG nguyên phát bằng hạt vi cầu Y-90 cho thấy: trên 80% bệnh nhân có đáp ứng điều trị, triệu chứng lâm sàng được cải thiện, không có bệnh nhân bị biến chứng. Nồng độ AFP giảm ở 77,8% bệnh nhân, 22,2% bệnh nhân có AFP không tăng hơn trước điều trị, AFP giảm từ 4660,3 ng/ml xuống còn 248,4ng/ml; 72,2% bệnh nhân có u gan giảm kích thước, đường kính khối u gan trung bình giảm từ 7,2cm xuống còn 4,3, 27,8% bệnh nhân có kích thước khối u không thay đổi; 80,3% bệnh nhân có u gan không còn tăng sinh mạch. Bệnh nhân ung thư đại tràng di căn gan có chỉ chất chỉ điểm khối CEA trước điều trị là 1000 ng/ml, sau khi điều trị giảm
còn 40ng/ml. Kích thước khối u di căn từ 7,0 cm giảm xuống còn 3,0 cm. Thể trạng bệnh nhân được cải thiện tốt.
Kết luận: Điều trị ung thư UTG bằng vi cầu Y-90 là phương pháp điều trị mới. Quy trình điều trị đã được chuẩn hóa, áp dụng thường quy tại Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả điều trị bệnh nhân UTG cho thấy rất hiệu quả và an toàn. Kỹ thuật cần được phổ biến để áp dụng điều trị cho các bệnh nhân UTG nguyên phát và cả UTG thứ phát.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mai Trọng Khoa và cs (2014): “Điều trị khối u ác tính tại gan bằng vi cầu phóng xạ y-90”, Hội nghị Ung thư Thành phố Hồ Chí Minh T12/2014.
2. Chow PK et al (2010) “Multicenter phase II study of SIR-sphere plus sorafenib as first line in patients with nonresectable hepatocellular carcinoma: The AsiaPacific Hepatocellular Carcinoma Trials Group Protocol 05 (AHCC05)”, ASCO Annual Meeting, J Clin Oncol 2010; 28 (Suppl 7s): Abs. 4072.
3. D’Avola et al (2009) “A retrospective comparative analysis of the effect of Y90-radioembolization on the survival of patients with unresectable hepatocellular carcinoma”, Hepato-gastroenterology; 56: 1683-1688.
4. Francesco G, Lisa B et al (2011) “EANM procedure guidelines for the treatment of liver cancer and liver metastases with intra-arterial radioactive
compounds”, Eur J Nucl Med Mol Imaging, DOI 10.1007/s00259-011-1812-2.
5. Sangro B et al (2013) “Prognostic Factors and Prevention of Radioembolization-Induced Liver Disease”, Hepatology 2013; 57:1078-1087
6. Gibbs P et al (2015). SIRFLOX: thử nghiệm ngẫu nhiên giai đoạn III so sánh điều trị bước 1 bằng mFOLFOX6 (+bevacizumab) với mFOLFOX6
(+bevacizumab) + liệu pháp xạ trị trong chọn lọc (SIRT) ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn gan. Presented at 2015 ASCO Annual Meeting; J Clin Oncol 2015; 33 (Suppl): Abs 3502.