KẾT QUẢ ỨNG DỤNG XẠ HÌNH THẬN ĐỘNG TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Trần Vũ Trường Giang1,, Nguyễn Chí Hiếu2, Trần Phát2, Trương Hữu Quân2
1 Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
2 Đơn vị Y học hạt nhân, Khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Xạ hình thận động từ lâu đã trở thành một trong những kỹ thuật hữu ích khảo sát chức năng của thận và hệ thống bài xuất, đào thải nước tiểu ở cả người lớn và trẻ em. So với người lớn, đây là xét nghiệm được ứng dụng rộng rãi hơn cả và chiếm hơn nửa số chỉ định bệnh nhi đến với đơn vị xạ hình. Tại bệnh viện Nhi đồng thành phố, xạ hình thận động đã được triển khai từ đầu năm 2018 và bước đầu cho thấy vai trò của nó trong việc hỗ trợ quyết định theo dõi và điều trị trên các bệnh nhi. Do đó, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm thống kê và đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị.


Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá kết quả ứng dụng kỹ thuật xạ hình thận động với dược chất phóng xạ 99mTc-DTPA trên bệnh nhân trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố.  


Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu mô tả cắt ngang dựa trên hồ sơ bệnh án và kết quả chụp xạ hình thận động sử dụng 99mTc – DTPA có test thử thách lợi tiểu của 671 bệnh nhi từ 01 tháng đến 15 tuổi được ghi hình ít nhất 1 lần tại bệnh viện Nhi đồng thành phố từ tháng 06 năm 2018 đến tháng 03 năm 2022.


Kết quả: Có tổng cộng 740 lần ghi hình bao gồm 611 trẻ chụp 1 lần, 52 trẻ chụp 2 lần, 7 trẻ chụp 3 lần, 1 trẻ chụp 4 lần. Trong đó, có 454 trẻ nam và 217 trẻ nữ với tỉ lệ nam/nữ là 2/1. Độ tuổi của các bệnh nhi tại thời điểm xạ hình dao động khá nhiều, từ 01 tháng cho đến 15 tuổi. Tuy nhiên, có sự phân bố ưu thế rõ ràng đối với nhóm bệnh nhi dưới 5 tuổi, chiếm 516 trường hợp (~69,7%%), gấp khoảng hơn 3 lần số lần chụp đối với nhóm bệnh nhi từ 5 đến 10 tuổi và gấp khoảng hơn 10 lần so với nhóm bệnh nhi trên 10 tuổi, lần lượt là 175 trường hợp (~23,7%) và 49 trường hợp (~6,6%).


Các bệnh nhi xạ hình đến từ nhiều vị trí địa lý khác nhau trong cả nước, tuy nhiên phần lớn các trường hợp nằm trong địa phận thành phố Hồ Chí Mính với 218 trường hợp, chiếm ~ 30% tổng số, theo sau đó là từ các tỉnh miền tây và miền trung, cũng như khu vực Tây Nguyên.


Tất cả những bệnh nhi này đều được chẩn đoán, theo dõi, điều trị tại 03 bệnh viện nhi lớn của Thành phố Hồ Chí Minh là Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng thành phố với tỉ lệ lần lượt là 248 bệnh nhi (36,9%), 313 bệnh nhi (46,6%) và 111 bệnh nhi (~16,5%). Theo đó, việc chẩn đoán, theo dõi bằng kỹ thuật xạ hình thận động sẽ được thực hiện toàn bộ tại Đơn vị Y học hạt nhận của Bệnh viện nhi đồng thành phố.


Về mặt chẩn đoán trước xạ hình, sau khi đã xem xét kết quả hình ảnh học giải phẫu, ghi nhận có 436 bệnh nhi (~65,0 %) có tình trạng Thận trái ứ nước có/không kèm dãn niệu quản cùng bên, 154 bệnh nhi (~ 23,0 %) có tình trạng Thận phải ứ nước có/không kèm dãn niệu quản cùng bên, 74 bệnh nhi (~ 11,1 %) có tình trạng Thận ứ nước hai bên có/không kèm dãn niệu quản, và một số ít còn lại gồm 6 bệnh nhi (~ 0,9 %) có các tình trạng bệnh lý như: 02 trẻ có bàng quang thần kinh, 02 trẻ có thận phải loạn sản đa nang, 01 trẻ u thận trái và 01 trẻ có bệnh lý ống thận.


Về mặt đánh giá kết quả xạ hình, trong nhóm bệnh nhi Thận trái ứ nước có/không kèm dãn niệu quản cùng bên (N = 436), ghi nhận 163 trẻ (~ 37,3 %) có suy giảm chức năng thận (chức năng tương đối DRF < 40 %), 323 trẻ (~ 74,0 %) có tắc nghẽn đường bài niệu (chỉ số T½ kéo dài trên 20 phút), 99 trẻ (~ 22,7%) có tắc nghẽn đường bài niệu kèm suy giảm chức năng thận, và 37 trẻ (~ 8,4 %) có suy giảm chức năng thận nặng gây hạn chế trong việc khảo sát tắc nghẽn đường bài niệu.


Trong nhóm bệnh nhi Thận phải ứ nước có/không kèm dãn niệu quản cùng bên (N = 154), ghi nhận 44 trẻ (~ 28,5 %) có suy giảm chức năng thận, 69 (~ 44,8 %) có tắc nghẽn đường bài niệu, 24 trẻ (~ 15,5%) có tắc nghẽn đường bài niệu kèm suy giảm chức năng thận, 5 trẻ (~ 3,2 %) có suy giảm chức năng thận nặng gây hạn chế trong việc khảo sát tắc nghẽn đường bài niệu.


Tương tự, trong nhóm bệnh nhi Thận ứ nước hai bên có/không kèm dãn niệu quản (N = 74), ghi nhận 31 trẻ (~ 41,8 %) có suy giảm chức năng thận ở một trong hai thận, 45 trẻ (~ 60,0 %) có tắc nghẽn đường bài niệu ở một hoặc hai bên, 02 trẻ (~ 2,7 %) có tắc nghẽn đường bài niệu kèm suy giảm chức năng thận, và có 6 trẻ (~ 8,1 %) có suy giảm chức năng thận nặng gây hạn chế trong việc khảo sát tắc nghẽn đường bài niệu.


Thêm vào đó, ở tất cả bệnh nhi được thực hiện ít nhất 2 lần xạ hình (N = 60), ghi nhận có  18 trẻ (~ 30,0 %) phát hiện suy giảm chức năng thận (DRF giảm trên 5 % khi theo dõi) và có 8 trẻ (~ 13,3%) gia tăng tình trạng tắc nghẽn đường bài niệu (biểu hiện bằng sự thay đổi đường cong hoạt độ phóng xạ theo thời gian). Khoảng cách thời gian xạ hình theo dõi dao động từ 3 tháng đến 24 tháng, tuy nhiên đa phần các trường hợp này phát hiện trong vòng 12 tháng đầu từ lần xạ hình đầu tiên.


Như vậy, chúng tôi nhận thấy trong 671 bệnh nhi xạ hình lần đầu, có 125 trường hợp (~ 18,6 %) dãn đài bể thận niệu quản kèm suy giảm chức năng thận và trong 60 bệnh nhi xạ hình theo dõi ít nhất 2 lần, có 18 trường hợp (~ 30 %) phát hiện suy giảm chức năng thận ở các lần ghi hình sau. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ diễn tiến đến mất chức năng thận.


Kết luận: Xạ hình thận động với 99mTc DTPA hiện nay vẫn còn là một trong những công cụ quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi bệnh lý thận ứ nước ở trẻ em, đặc biệt là vai trò phát hiện sớm tình trạng thận có nguy cơ diễn tiến đến mất chức năng nhằm mục đích có biện pháp can thiệp kịp thời để bảo tồn chức năng thận. Việc ứng dụng kỹ thuật này tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố bước đầu đã cho thấy những lợi ích mang lại cho bệnh nhi cũng như nhà thực hành lâm sàng một công cụ đắc lực cho quyết định điều trị bên cạnh các kỹ thuật hình ảnh học khác.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Yiee JH, Tasian GE, Copp HL. Management trends in prenatally detected hydronephrosis: national survey of pediatrician practice patterns and antibiotic use. Urology. 2011 Oct;78(4):895–901.
2. Gökaslan F, Yalçinkaya F, Fitöz S, Özçakar ZB. Evaluation and outcome of antenatal hydronephrosis: a prospective study. Ren Fail. 2012 Jan;34(6):718–21.
3. Yamaçake KGR, Nguyen HT. Current management of antenatal hydronephrosis. Pediatr Nephrol. 2013 Mar;28(2):237–43
4. Riccabona M. Assessment and management of newborn hydronephrosis. World J Urol. 2004 Jun;22(2):73–8.
5. Thom RP, Rosenblum ND. A translational approach to congenital non-obstructive hydronephrosis. Pediatr Nephrol. 2013 Sep;28(9):1
6. Estrada CR. Prenatal hydronephrosis: early evaluation. Curr Opin Urol. 2008 Jul;18(4):401–3. 7. Yiee J, Wilcox D. Management of fetal hydronephrosis. Pediatr Nephrol. 2008 Mar;23(3):347–53. 757–61.
8. Conway JJ. The “well tempered” diuretic renogram: a standard method to examine the asymptomatic neonate with hydronephrosis or Hydroureteronephrosis. J Nucl Med. 1992;33:2047–2051.
9. Piepsz A, Arnello F, Tondeur M, Ham HR . Diuretic renography in children. J Nucl ed. 1998;39:2015–2016.
10. Vittoria Rufini, M Garganese Carmen, Germano Perotti, Ana Maria Samanes Gajate, Massimo Regi. The role of nuclear medicine in infantile hydronephrosis. Apr-Jun 2002;27(2):141-8.
11. Trần Lý Trung, Lê Thanh Hùng, Lê Công Thắng, Trần Vĩnh Hậu, Lê Tấn Sơn. Giá trị của xạ hình thận tc99m- dtpa trong chẩn đoán tắc nghẽn đường niệu trên ở trẻ em - Y học thành phố hồ chí minh 2006